Chiều 20.11,ộtrưởngTàichínhnóikhảnăngbịkiệnkhiápthuếtốithiểutoàncầdaotao.ute.udn Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thường gọi là thuế tối thiểu toàn cầu). Nêu ý kiến, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nhất trí cao với việc ban hành nghị quyết, song cho rằng, việc này sẽ tác động rất lớn, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược.
Để giảm tác động bất lợi, ông Lộc cho rằng, Quốc hội cũng cần ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để "yên lòng" các nhà đầu tư chiến lược và giao Chính phủ nghiên cứu chính sách cụ thể.
Theo ông Lộc, việc này đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn để vừa đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập. Muốn vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư do phải nộp thuế bổ sung.
"Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không", ông Lộc kiến nghị.
Đại biểu nói hoàn toàn có thể khởi kiện
Về vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư có thể khiếu kiện hay không và kiểm soát việc này thế nào, ông Lộc cho rằng, các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể kiện.
Tuy nhiên, trong trường hợp khiếu kiện, các công ty đa quốc gia cũng gặp khó khăn trong chứng minh thiệt hại do chính sách thuế gây ra. Bởi nếu họ không nộp thuế bổ sung ở Việt Nam thì phải nộp thuế ở nước khác.
"Tức là khi doanh nghiệp khiếu kiện phải nộp thuế bổ sung ở Việt Nam thì lập tức họ có nguy cơ phải nộp khoản thuế đó ở nước ngoài, dù chưa biết thắng hay thua. Điều này sẽ giảm thủ tục khởi kiện của các công ty đa quốc gia", ông Lộc phân tích.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) thì cho rằng, các doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế hoàn toàn có thể khởi kiện để tiếp tục hưởng các ưu đãi theo luật Đầu tư hiện hành.
Bà Thúy cho biết, theo quy định về bảo đảm đầu tư tại luật Đầu tư hiện hành thì trường hợp nhà nước có chính sách ưu đãi thấp hơn, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi trong thời gian còn lại của dự án. Điều này có nghĩa, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có khả năng doanh nghiệp khởi kiện để áp dụng quy định đảm bảo đầu tư.
Từ đó, bà Thúy đề nghị nghị quyết cần quy định chi tiết theo hướng giảm khả năng khiếu kiện của doanh nghiệp chịu thuế; đồng thời xác định nguyên tắc giải quyết khi khiếu kiện xảy ra, đảm bảo Nhà nước không bị thiệt hại.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng băn khoăn: nếu có phát sinh tranh chấp, khiếu kiện thì áp dụng theo luật nào, cơ quan nào sẽ xử lý? Và khi đó sẽ giải quyết theo luật pháp Việt Nam hay luật pháp quốc tế, tòa án Việt Nam hay đưa ra tòa án quốc tế?
Từ đó, ông Nghĩa đề nghị phải sớm ban hành hướng dẫn chi tiết khi nghị quyết được Quốc hội thông qua để doanh nghiệp chịu thuế sắp xếp việc đầu tư, sổ sách tài chính, kế toán và các cơ quan nhà nước cũng lo sắp xếp để tiếp cận những cái mới của nghị quyết.
Bộ trưởng Tài chính: Rất ít khả năng khiếu kiện
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, khi ban hành nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế của Nhà nước và mang lại lợi ích cho đất nước.
Về băn khoăn khả năng các doanh nghiệp khởi kiện khi sắc thuế được áp dụng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với 122 doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế để "chuẩn bị tinh thần".
"Tôi nghĩ rằng việc dẫn đến khiếu kiện là rất ít khả năng. Vì ở đây nếu doanh nghiệp không đóng thuế tại Việt Nam thì cũng phải đóng thuế tại nước ngoài. Mà đóng thuế nước ngoài thì phức tạp hơn rất nhiều vì cơ quan thuế nước ngoài cũng phải sang Việt Nam thu thuế…", ông Phớc nói.
Về việc ưu đãi ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, ông Phớc cho hay, giấy chứng nhận đầu tư không được ghi ưu đãi về thuế vì ưu đãi thuế phải thực hiện theo quy định tại pháp luật thuế.
"Vừa rồi một số địa phương, sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư ghi vào ưu đãi về thuế là không đúng. Chúng tôi đã có văn bản trả lời, hướng dẫn cho sở KH-ĐT thực hiện đúng, thống nhất", ông Phớc nói.
Về ưu đãi đầu tư mới song hành cùng việc bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu, ông Phớc cho biết, Chính phủ đã phân công cho Bộ KH-ĐT và bộ này đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang yêu cầu chỉnh sửa lại trong thời gian rất ngắn ban hành đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư", ông Phớc cho hay.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất Quốc hội sẽ thông qua chính sách ưu đãi song hành với việc ban hành nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu và ghi vào Nghị quyết kỳ họp 6 thông qua cuối kỳ họp.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6.2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, có hiệu lực từ 1.1.2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.
Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%.
Theo Bộ Tài chính, tại Việt Nam có 122 doanh nghiệp phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu, với khoản thu khoảng 14.600 tỉ đồng mỗi năm.