Ngày 20-22/10,ónăntruyềnthốnglépvếtronglễhộitônvinhẩmthựcViệspa đà nẵng lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt" diễn ra tại Dinh Độc Lập, miễn phí vé vào cửa. Theo thông tin từ ban tổ chức, lễ hội có khoảng 100 gian hàng bày bán các món ăn, du khách được trải nghiệm đặc sản vùng miền do các đầu bếp chuyên nghiệp, nghệ nhân ẩm thực từ nhiều địa phương thực hiện. Tuy nhiên, không ít du khách nhận xét lễ hội có lượng gian hàng lớn, món bày bán lại "không mấy đặc sắc".
Ida Bengtsson, du khách Thụy Điển, tình cờ biết đến lễ hội khi tham quan Dinh Độc Lập sáng 22/10. Bengtsson chia sẻ ấn tượng với ẩm thực Việt và từng đọc nhiều tin ca ngợi món ngon các vùng miền. Khi biết có lễ hội ẩm thực chị "háo hức" thưởng thức các món ăn. Tuy nhiên, sau nửa tiếng tham quan các gian hàng dưới thời tiết oi nóng, Bengtsson chỉ mua được một ống cơm lam và xiên nem nướng, do "không tìm thấy các món trên bản đồ ẩm thực trưng bày trong lễ hội".
"Ấn tượng đầu tiên của tôi về lễ hội này là đông người. Góc nào cũng có gian hàng đồ nướng", Bengtsson nói. Có một số gian bán bún bò, phở bò, hủ tiếu, nhưng Bengtsson từng ăn những món này rồi nên mong chờ các món lạ hơn. Du khách Thụy Điển được người bán giới thiệu cơm lam và xiên nem nướng là "những món ăn quen thuộc với người Việt".
Theo ghi nhận của VnExpress, ba ngày diễn ra lễ hội vào cuối tuần, lượng khách phủ kín các gian hàng trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Sau trận mưa lớn buổi chiều 22/10, từ 18h lễ hội đã ken đặc người tham quan. Khu vực gian hàng dựng trên các bãi cỏ, lối đi lót tấm nhựa, nhưng trận mưa lớn khiến các lối đi ướt nhẹp, bám đầy bùn đất, trơn trượt. Lượng khách đông, nhưng các gian hàng lại không rơi vào quá tải, do phần lớn du khách chỉ đi dạo quanh mà không dừng lại mua món ăn.
"Nhiều món giá cao hơn ở ngoài, chỗ ngồi ăn tại lễ hội nhếch nhác, các lối đi ken đặc người lẫn với mùi khói nướng. Trong không gian như vậy, đồ ăn dù ngon cũng khó cảm nhận được", một du khách đến lễ hội tối 22/10 nói.
Ngoài ra, không gian lễ hội khá lộn xộn. Các bàn ăn lấn cả đường đi. Vào ban ngày trời nắng, nhiều du khách tự ý di chuyển bàn ghế, có người vừa ngồi ăn vừa che ô. Một số du khách mua mang đi hoặc ngồi ăn trên bãi cỏ có bóng cây trong khuôn viên Dinh Độc Lập.
Lễ hội giới thiệu có hơn 100 gian hàng bày bán đặc sản các vùng miền, nhưng món ăn xuất hiện nhiều lại là các loại xiên nướng, nằm ở các vị trí nổi bật, thu hút đông đảo thực khách ghé mua. Trong khi đó, các món đặc sản vùng miền lại lép vế và ít được khách quan tâm.
Chị Thanh Hương, thành viên Hiệp hội đầu bếp Sài Gòn, chia sẻ gian hàng của chị phục vụ món bánh ướt chay giá 35.000 đồng mỗi phần, nhưng "không chốt đơn" được nhiều như các gian bán xiên nướng. Chị cho biết trong 3 ngày tham gia lễ hội chưa bán hết 15 kg bánh ướt, trong khi trung bình ngày thường bán được trên 10 kg. Theo chị Hương, gian hàng của chị nằm ở phần cuối của lễ hội, ban ngày nắng nóng và ít khách lui tới.
"Lượng khách đến lễ hội lớn, nhưng sức mua thấp. Đa phần khách đến quầy chỉ tham quan, ăn thử. Đây là tình hình chung của nhiều gian phục vụ món truyền thống như gian hàng của tôi", chị Hương nói.
Các gian phục vụ đặc sản vùng miền chiếm chưa đến một nửa. Cả lễ hội chỉ có một gian hàng bánh xèo kiểu miền Tây, giá 70.000 đồng một chiếc. Gian bày bán cua Cà Mau nằm lọt thỏm giữa các quầy đồ nướng. Người bán ra sức mời chào "cua Cà Mau sốt các loại chỉ 50.000 đồng một con", nhưng không mấy thực khách ghé lại mua.
Quầy bán các món ăn từ côn trùng như bọ cạp, cà cuống, đuông dừa đặc sản vùng Tây Nam Bộ, hút khách hơn vì gây "tò mò". Anh Mai Trung, quận 5, dừng lại ở gian hàng này nhưng chỉ mua một xiên bọ cạp chiên, giá 20.000 đồng để "ăn thử cho biết". Nam du khách nói món "không hợp khẩu vị". "Xiên được chiên ngập dầu, khi ăn thấy khô và chỉ cảm nhận thấy gia vị tẩm ướp. Mức giá nghe thì rẻ nhưng mỗi xiên chỉ có một con bọ cạp, chất lượng không tương xứng", anh Trung nói.
Mặc dù là lễ hội tôn vinh ẩm thực Việt, một số gian hàng lại bày bán món gỏi Thái Lan "lạc quẻ". Ngoài ra một số gian bán trầm hương, đồ thủ công mỹ nghệ không liên quan đến lễ hội ẩm thực. Những món đặc sản nổi bật trên bản đồ ẩm thực như gỏi cá trích Phú Quốc, bún đậu mắm tôm, bún chả, cơm hến, mì Quảng không xuất hiện tại các gian hàng phục vụ thực khách.
Ngoài các gian bày bán đồ ăn, nhiều du khách cũng đánh giá "các hoạt động tại lễ hội mờ nhạt, thiếu sức hút". Điểm nhấn duy nhất là tấm bản đồ ẩm thực 126 món ăn đặc sản ba miền, trưng bày dưới dạng mô hình.
"Là bản đồ ẩm thực nhưng lại không có giới thiệu cụ thể từng món gắn với mỗi vùng miền, thậm chí không đề tên món. Tôi khó quan sát được rõ từng món ăn, món biết món không", chị Hoàng Hà, đến từ Đồng Nai, nói. Chị cho rằng nên ứng dụng thêm công nghệ để khách tham quan có thể tương tác, tìm hiểu về tấm bản đồ ẩm thực, sẽ thú vị hơn là trưng bày "một mô hình khổng lồ nhưng vô vị".
Bích Phương