Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia,ựthảoluậtĐấtđaisửađổiBỏquêndulịmáy in nhiệt song lại vắng bóng các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí.
Siêu đô thị vắng bóng "bom tấn" du lịch
"Cách đây gần 50 năm khi tôi còn nhỏ, được ba dẫn đi thăm sở thú là niềm hạnh phúc rất lớn. 30 năm sau, trở thành ba, tôi lại dẫn con gái đi Thảo Cầm Viên nhưng con bé chẳng mấy hứng thú. Nó đã được tới những khu safari rộng vài trăm hecta, có hàng ngàn loại động thực vật quý, tận mắt thấy những chú hổ dũng mãnh lững thững đi ngay cạnh xe buýt trong khu vực bán hoang dã… Trong khi đó, Thảo Cầm Viên bao năm qua vẫn vậy, những khu vui chơi gỉ sét, quầy bán hàng tạm bợ, các con thú thì gầy gò, buồn bã nhốt trong những song sắt chật hẹp… Bảo sao lũ trẻ thích cho được?", dẫn câu chuyện Thảo Cầm Viên, anh Trần Hiếu (ngụ Q.4, TP.HCM) tiếc nuối cho sự phát triển về du lịch, kinh tế của TP.HCM.
Sinh ra và lớn lên ở TP mang tên Bác, nhưng ngoài những quán ăn, anh Hiếu không biết giới thiệu điểm vui chơi nào mỗi lần đón khách từ phương xa tới TP.HCM. Theo anh, Đầm Sen, Suối Tiên chủ yếu chỉ dành cho người dân các tỉnh tới tránh nóng mỗi dịp lễ không có cơ hội đi chơi xa. Nhìn lại bao năm qua, TP không xây dựng được 1 khu vui chơi, du lịch nào quy mô, tầm cỡ cho chính người dân trên địa bàn, chưa nói đến khách du lịch. Bởi vậy du khách đến đây chỉ đi lướt qua như điểm trung chuyển, còn người dân TP thì hễ có ngày nghỉ là phải đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… hoặc ra nước ngoài mới có chỗ tiêu tiền.
Bao năm qua, thiếu sản phẩm được đánh giá là "căn bệnh trầm kha" của ngành du lịch TP.HCM. Ngoại trừ các điểm check-in nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành… mà chỉ cần 1 ngày tour là đi đủ không sót chỗ nào thì TP.HCM không có 1 tổ hợp vui chơi, giải trí, mua sắm nào quy mô lớn, có sức hút.
Năm 2004, khi dự án Khu công viên Sài Gòn Safari quy mô 456,85 ha ở Củ Chi được thông qua chủ trương với vốn đầu tư 500 triệu USD, rất nhiều người dân đã kỳ vọng khu du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực sẽ là "bom tấn" đem lại cú hích cực mạnh cho du lịch, kinh tế TP.
Gần 2 thập niên trôi qua, dự án đã ngừng lại do vướng mắc liên quan đến việc bồi thường thu hồi đất và năng lực nhà đầu tư không đủ. Nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động thực vật quý hiếm của thế giới và VN vẫn chỉ là những thửa đất hoang, thành nơi nuôi trâu, bò.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), nhận định nếu xét về sản phẩm du lịch, mảng công viên trải nghiệm cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc khi chứng kiến sự ra đời của những điểm đến ấn tượng như Bà Nà Hills ở Đà Nẵng, tổ hợp Sun World Ba Den Mountain ở Tây Ninh, Sun World Fansipan Legend ở Sa Pa… Hệ thống sản phẩm mảng tổ hợp vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn nhưng "búa tạ" thì chưa có, thiếu những "hàng khủng" đủ sức cạnh tranh với Disneyland hay Universal Studios của Singapore. Đặc biệt tại các TP lớn có nhiều lợi thế như TP.HCM, những tổ hợp vui chơi, giải trí, mua sắm tầm cỡ đang là khoảng trống rất lớn của ngành du lịch. Tuy nhiên, TP vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp (DN) lớn về đầu tư, chung sức phát triển sản phẩm đẳng cấp.
Thực tế, các nhà phát triển du lịch lớn như SunGroup, Vingroup, BIMgroup, CEOgroup... sẵn sàng mạnh tay đầu tư nhiều dự án tỉ USD từ biển lên tới núi, nhưng lại "ngại" các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Có nhiều dự án quy mô lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng nếu để theo cơ chế tự thỏa thuận, giải phóng mặt bằng thì không biết bao giờ xong. Đôi khi cần có vai trò tham gia của nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội)Đại diện một DN du lịch lý giải: Một khu vui chơi tầm cỡ đòi hỏi quy mô lớn nhưng khâu giải phóng mặt bằng ở các đô thị càng lớn, càng phát triển thì càng nhiêu khê. Quy định chồng chéo, tranh cãi, kiện cáo kéo dài khiến dự án giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới uy tín của DN. Trong khi đó, tạo ra những sản phẩm nâng tầm trải nghiệm cho du khách đáng lẽ phải là ưu tiên hàng đầu của các đô thị, bởi đây là những điểm đến không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên.
"Du lịch Thái Lan làm rất tốt điều này. Tại Bangkok, một đô thị không có nhiều lợi thế về tài nguyên rừng, biển nhưng lại tạo ra không ít "đặc sản". Đó là sản phẩm du lịch đa dạng từ ẩm thực, tâm linh đến sinh thái… và cả các quần thể thương mại - sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao. Các tổ hợp mua sắm kết hợp vui chơi giải trí, nhà hàng sang trọng như Icon Siam, Asiatique, Siam Paragon… đều sở hữu màu sắc độc đáo, riêng biệt, tạo điểm nhấn thu hút khách. Chúng ta hay nói ngành du lịch VN yếu khâu xúc tiến, quảng bá nhưng thực chất các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu có sẵn nền tảng từ sản phẩm tốt. Muốn có sản phẩm tốt, một mình DN thôi chưa đủ mà phải có sự đồng lòng hỗ trợ từ nhà nước tới cộng đồng người dân", đại diện DN này nhấn mạnh.
Đất cho du lịch vướng đủ đường
Thừa nhận hệ thống sản phẩm du lịch của TP.HCM đang vắng bóng những sản phẩm quy mô lớn, đại diện Sở Du lịch TP cho biết trước đây những mô hình như homestay, du lịch sinh thái nông nghiệp bị vướng do liên quan đến các quy định về đất nông nghiệp. TP cũng không có đủ thẩm quyền để quyết định chủ trương những dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay Nghị quyết 98 đã giao quyền cho HĐND TP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất dưới 500 ha. Đây là một trong những điều kiện để TP chủ động kêu gọi đầu tư, nhất là sản phẩm chiến lược về du lịch sinh thái nông nghiệp đang vướng rất nhiều ở các huyện ngoại thành.
Không chỉ đất nông nghiệp, quỹ đất để đầu tư các dự án du lịch quy mô lớn hiện đang rất khó khăn. Trong khi các lĩnh vực khác được hỗ trợ, tiếp cận được đất đai để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc nhà nước thực hiện thu hồi đất, kể cả các công trình như: kho chứa dầu thô, trạm bơm xăng, dầu khí hoặc xây dựng chợ dân sinh, thì luật Đất đai không có quy định tiếp cận đất đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ.
Dự thảo luật Đất đai mới nhất đang được lấy ý kiến hoàn thiện cũng chỉ quy định trường hợp thu hồi đất đối với xây dựng khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng, bao gồm: công viên, vườn hoa, bãi tắm và khu vực dành cho vui chơi giải trí công cộng khác. Tuy vậy, việc xây dựng các khu vui chơi công cộng không thu phí thông thường được đầu tư kinh phí từ ngân sách dẫn đến quy mô nhỏ, chỉ đáp ứng cho một bộ phận dân số nhỏ. Nhiều trường hợp ngân sách địa phương cũng không có để thực hiện nên dẫn đến chỉ có quy hoạch và chủ trương, không thực hiện được. Khu công viên Sài Gòn Safari của TP.HCM là ví dụ điển hình.
Chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, cho rằng việc sửa đổi hành lang pháp lý nói chung hay luật Đất đai nói riêng là nhằm thực hiện đường lối chung của Đảng để phát triển KT-XH. Du lịch đã được nhấn mạnh là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vì vậy các chính sách cũng cần để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này mạnh hơn, hiện đại hơn. Cụ thể, trong các trường hợp nhà nước thực hiện thu hồi đất đã được nêu trong dự thảo thì có thể xem xét, bổ sung loại hình khu đô thị mới kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… Đối với nhiều địa phương, việc xây dựng khu đô thị mới, dự án du lịch giải trí quy mô lớn, hiện đại là cần thiết trong quá trình thúc đẩy KT-XH phát triển. Thực tế thời gian qua đã có nhiều dự án bất động rất nhiều năm do bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đối với một số dự án cụ thể, nếu có sự chủ động từ nhà nước để thực hiện, việc này sẽ nhanh hơn, thực hiện các quy hoạch vùng tốt hơn.
"Có nhiều dự án quy mô lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng nếu để theo cơ chế tự thỏa thuận, giải phóng mặt bằng thì không biết bao giờ xong. Đôi khi cần có vai trò tham gia của nhà nước. Quan trọng là cách thực hiện vì nhà nước vẫn phải đảm bảo lợi ích của các bên tham gia", ông Vũ Tiến Lộc nói.