Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 2/10 xuất hiện tại tòa án bang New York ở Manhattan để tham gia phiên xét xử ông với cáo buộc khai khống tài sản,êntòatháchthứcdanhtiếngvàtúitiềncủaôlịch ngoại hạng anh 2023 thu lợi bất chính.
Tổng chưởng lý New York Letitia James hồi tháng 9/2022 đệ đơn kiện Trump cùng các cộng sự của ông với cáo buộc "thổi phồng" tài sản thêm 17-35%, tương đương khoảng 812 triệu đến 2,2 tỷ USD, với các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong giai đoạn 2011-2021 nhằm hưởng khoản vay, hợp đồng bảo hiểm có lợi hơn.
Theo giới chuyên gia, cuộc chiến pháp lý tại tòa New York sẽ kéo dài hàng tháng, có thể khiến Trump mất vài trăm triệu USD tiền phạt và giáng đòn mạnh vào hình ảnh ông trùm đế chế kinh doanh khổng lồ mà cựu tổng thống Mỹ đã xây dựng suốt nhiều thập kỷ.
Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc và nói rằng tổng chưởng lý James nhắm vào ông với động cơ chính trị.
Nhóm luật sư bào chữa của cựu tổng thống Mỹ cho biết những giao dịch với các ngân hàng hay công ty bảo hiểm được đề cập trong đơn kiện thực tế đều mang lại lợi nhuận, không có dấu hiệu nào cho thấy Trump vỡ nợ hay thanh toán chậm các khoản vay. Họ tuyên bố có thể đưa hơn 100 người làm nhân chứng trước tòa.
"Đảng Dân chủ đang tìm cách hạ bệ 'Tháp Trump' nổi tiếng thế giới và áp đặt cái mà một số người gọi là 'án tử hình doanh nghiệp' đối với tôi", ông Trump viết trong email gây quỹ tranh cử hôm 1/10.
Vụ kiện chứng kiến bước ngoặt kịch tính vào tuần trước, khi chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Tòa án Tối cao bang New York Arthur Engoron, ra phán quyết rằng tổng chưởng lý James đã chứng minh được Trump và một số thành viên trong gia đình ông định giá sai nhiều tài sản, trong đó có tòa Tháp Trump ở Manhattan, khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida và các sân golf.
Thẩm phán đã ra lệnh rút giấy phép kinh doanh của ông tại bang này, có khả năng dẫn đến việc mất quyền kiểm soát một số tài sản ở New York. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến khối tài sản của ông Trump.
Nếu tổng chưởng lý James thuyết phục được tòa trong các cáo buộc gian lận khác, thẩm phán sẽ ban hành nhiều biện pháp trừng phạt hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tổn thất tài chính nặng nề cho cựu tổng thống Mỹ.
James đang đề nghị tòa áp mức phạt 250 triệu USD, con số mà bà cho rằng tương ứng với những lợi ích bất chính ông Trump đã thu được. Bà cũng muốn Trump cùng công ty của ông bị cấm tham gia vào các thương vụ mua lại bất động sản thương mại và xin vay vốn ở bang New York trong vòng 5 năm.
Ngoài tác động tới ví tiền của Trump, lời khai từ các nhân chứng từ nay đến khi kết thúc phiên tòa, dự kiến vào tháng 12, còn có khả năng làm tổn hại tượng đài "doanh nhân thành công bậc nhất nước Mỹ" được ông xây dựng qua nhiều năm.
Theo luật sư Mark Zauderer, đối tác tại công ty luật Dorf Nelson & Zauderer, những gì được các nhân chứng khai ra trong phòng xử án sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến dư luận.
"Việc thẩm phán phát hiện tài liệu giấy tờ cho thấy ai đó đã thổi phồng giá trị tài sản là một chuyện, nhưng vấn đề sẽ hoàn toàn khác nếu có người đứng ra làm chứng và khai rằng 'Tôi đã được yêu cầu ghi lại giá trị như vậy'", ông giải thích.
Ông Trump còn đối mặt nhiều vấn đề khác trong phiên xét xử, liên quan đến cáo buộc gian lận bảo hiểm hay làm giả tài liệu. Thẩm phán Engoron cho biết các cáo buộc này yêu cầu tổng chưởng lý James phải chứng minh ý định gian lận của ông Trump và trình bằng chứng cho thấy việc định giá sai tài sản gây hậu quả nghiêm trọng.
James muốn tòa phát lệnh buộc Tập đoàn Trump cung cấp bản kê khai trung thực về giá trị tài sản ròng của ông Trump đã được kiểm toán viên độc lập đánh giá.
Văn phòng tổng chưởng lý New York cho hay họ sẵn sàng chứng minh tại phiên tòa rằng vào bất kỳ năm nào trong giai đoạn 2011-2021, giá trị tài sản ròng của ông Trump đều được định giá cao hơn thực tế tới 3,6 tỷ USD. Theo James, trong thời gian này, Trump tuyên bố tài sản ròng của ông lên tới 6,1 tỷ USD.
Năm 1984, một năm sau khi Tháp Trump khai trương ở Đại lộ 5, New York, Trump cho hay giá trị tài sản ròng của ông là 500 triệu USD. Khi tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 2015, ông lại khẳng định rằng số tiền đã "vượt quá 10 tỷ USD".
Trong thời gian làm tổng thống, Trump tuyên bố rằng ông đã thua lỗ hàng tỷ USD kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, một phần do chi phí pháp lý cho nhiều vụ kiện mà ông phải đối mặt.
"Có lẽ tôi đã phải trả giá 3-5 tỷ USD cho đặc quyền trở thành tổng thống", ông nói trong bài phát biểu năm 2019 trước các công nhân nhà máy ở Monaca, bang Pennsylvania. "Nhưng các bạn biết không, khi bạn biết mình giàu có, chuyện đó không còn quan trọng. Tôi chỉ muốn làm thật tốt công việc của mình".
Quyết định từ thẩm phán về các hình phạt tài chính có thể khiến giá trị tài sản ròng của ông Trump suy giảm. Và nếu thẩm phán Engoron nhất quyết yêu cầu Trump phải thanh lý những tài sản có được do hành vi vi phạm, ông nhiều khả năng phải chấp nhận bán chúng với giá thấp trong bối cảnh thị trường bất động sản thương mại đang ảm đạm.
"Bán ra tài sản ở thị trường như hiện nay là một điều khủng khiếp", Adam Leitman Bailey, luật sư tranh tụng chuyên về lĩnh vực bất động sản ở New York, cho hay.
Đội ngũ pháp lý của ông Trump tuyên bố sẽ kháng cáo. Dù vậy, việc phải đối mặt 4 vụ kiện hình sự cùng lúc có thể làm tăng thêm áp lực tài chính với Trump khi ông phải trả những hóa đơn pháp lý khổng lồ trong nỗ lực tự bảo vệ mình trước các cáo buộc do Bộ Tư Pháp hay công tố viên ở New York và Georgia đưa ra.
Phiên tòa dân sự tại New York cũng có thể ảnh hưởng đến những vụ kiện hình sự này. Evan Gotlob, cựu công tố viên liên bang và đối tác của công ty luật Saul Ewing, nhận định nếu thẩm phán Engoron ra phán quyết rằng Trump đã cố tình gian lận trong vụ kiện dân sự, các công tố viên có thể nêu lại điều đó trong các phiên tòa sắp tới để giúp lập luận của họ thuyết phục hơn.
"Khi tranh cãi về mức độ tín nhiệm của ông Trump trước tòa, họ có thể dẫn lại vụ án này", Gotlob cho hay.
Vũ Hoàng(Theo WSJ)